Đau đầu kèm theo chóng mặt và buồn nôn có thể gây cản trở lớn trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Khi gặp phải tình trạng này, ngoài việc nghỉ ngơi và thư giãn để hồi phục, bạn nên theo dõi sức khỏe một cách chặt chẽ. Nếu các triệu chứng đau đầu, chóng mặt và buồn nôn xuất hiện thường xuyên hoặc kéo dài, bạn nên sớm đến bệnh viện thăm khám kỹ lưỡng, vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của những bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn.
1. Đau đầu chóng mặt buồn nôn là gì?
Đau đầu chóng mặt buồn nôn là những triệu chứng rất phổ biến và đôi khi xảy ra đồng thời với nhau. Khi cả 3 vấn đề xuất hiện cùng lúc, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất thăng bằng, đi không vững, thậm chí bị giảm thính lực và ù tai, từ đó khó tập trung vào công việc và thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Thông thường, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn sẽ hết sau khi cơ thể được nghỉ ngơi mà không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, nếu tình trạng này xảy ra liên tục và có xu hướng tăng nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống, người bệnh nên được thăm khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân cụ thể, giúp việc điều trị đạt kết quả tối ưu.
2. Nguyên nhân gây đau đầu chóng mặt buồn nôn
Để khắc phục hiệu quả các triệu chứng đau đầu, chóng mặt và buồn nôn, điều quan trọng nhất là phải xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là những lý do phổ biến có thể dẫn đến hiện tượng nhức đầu kèm theo chóng mặt và buồn nôn:
Đau nửa đầu
Chứng đau nửa đầu gây đau dữ dội và đau nhói ở một bên đầu. Một người bị đau nửa đầu sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, mùi và mờ mắt. Khi cơn đau nửa đầu trở nên dữ dội, kèm theo các vấn đề nghiêm trọng khác như sốt, co giật, khó nói, nhìn đôi hoặc cứng cổ… người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thường xảy ra khi chúng ta thay đổi tư thế đầu một cách đột ngột, chẳng hạn: ngồi dậy, đứng bật lên, ngẩng cao đầu hoặc cúi xuống bất ngờ. Ngoài cảm giác đau đầu, chóng mặt và buồn nôn, người bệnh sẽ bị mất thăng bằng, lâng lâng và suy giảm thị lực… khi bị chóng mặt kịch phát tư thế lành tính. Bệnh không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể gia tăng nguy cơ té ngã, tai nạn… cho người bệnh.
Thiểu năng tuần hoàn não
Các triệu chứng của bệnh thiểu năng tuần hoàn não hay còn được gọi là rối loạn tuần hoàn não có thể bao gồm: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ (thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc), cơ thể mệt mỏi, dễ cáu bẳn, suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung… Căn bệnh này đến từ việc thiếu lượng máu, oxy và dưỡng chất cần thiết nuôi dưỡng não do mạch máu bị xơ vữa.
Say tàu xe
Người bị say tàu xe cũng sẽ bắt gặp hiện tượng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn khi đi ô tô, tàu hỏa, máy bay, thuyền hoặc ngay cả khi tham gia các trò chơi ở công viên giải trí. Bên cạnh đó, khi say tàu xe, mọi người có thể nhận thấy da nhợt nhạt, đổ mồ hôi và dễ cáu kỉnh…
Uống nhiều rượu, bia
Đau đầu, chóng mặt và buồn nôn sau khi uống nhiều rượu bia được lý giải là khi chất cồn đi qua niêm mạc ruột non và dạ dày, thấm vào máu sẽ làm loãng máu, đồng thời gây mất nước và mất cân bằng hóa học trong cơ thể. Cùng với đó, khi “quá chén”, mọi người còn có thể bị nói lắp, buồn ngủ, phản xạ chậm, nhìn đôi…
Sự thay đổi của thời tiết
Thời điểm giao mùa, chuyển nóng sang lạnh hoặc mưa giông bất thường khiến nhiều người bị nhức đầu dữ dội và đôi khi cơn đau đầu do thời tiết thay đổi sẽ đi cùng hiện tượng buồn nôn, chóng mặt. Chưa kể, thời tiết thất thường dễ gây bệnh cảm cúm và khi bị cảm cúm, mọi người sẽ bị đau đầu, chóng mặt và có thể cảm thấy buồn nôn.
Ốm nghén ở phụ nữ mang thai
Chóng mặt và buồn nôn là hai dấu hiệu điển hình mà phụ nữ thường phải trải qua ở những tháng đầu mang thai do thay đổi nội tiết tố. Ngoài ra, trong thai kỳ, chị em còn cảm thấy mệt mỏi, ngực đau và sưng, đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, thèm ăn và đặc biệt là đau nhức đầu.
Lượng đường trong máu thấp
Đường (glucose) là một trong những nguồn nhiên liệu chính giúp duy trì hoạt động của cơ thể. Khi lượng đường trong máu xuống quá thấp (hạ đường huyết), chúng ta sẽ cảm thấy run rẩy, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, đổ mồ hôi, da nhợt nhạt, tim đập nhát, cáu gắt…
Lo lắng quá độ
Một cơn lo lắng hoặc hoảng loạn xảy ra khi phải đối mặt với căng thẳng cực độ có thể gây ra các triệu chứng thể chất như chóng mặt, buồn nôn, khó thở, tức ngực, đau đầu, đổ mồ hôi, tim đập nhanh… Thời gian đau đầu, chóng mặt, buồn nôn sẽ tùy thuộc vào mức độ lo lắng và hoảng sợ của mỗi người.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ là đau đầu, buồn nôn, chóng mặt và mệt mỏi. Khi xuất hiện những phản ứng phụ này, mọi người nên thông báo ngay với bác sĩ để được đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng phù hợp hơn.
Đau đầu, chóng mặt và buồn nôn còn liên quan đến những vấn đề như ngộ độc thực phẩm, huyết áp cao, lạc nội mạc tử cung, viêm amidan, sốt xuất huyết, tiền sản giật, u não… Ngoài ra, nhiều người có thể gặp phải triệu chứng đau đầu chóng mặt buồn nôn khi uống cà phê hoặc thức khuya, dùng điện thoại liên tục trong thời gian dài…
3. Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn là bệnh gì?
Đau đầu chóng mặt buồn nôn không phải một căn bệnh, nhưng nhóm triệu chứng này có thể xuất phát từ những căn bệnh tiềm ẩn sau:
-
Đau nửa đầu.
-
Đau đầu Migraine.
-
Rối loạn tuần hoàn não (thiểu năng tuần hoàn não).
-
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.
-
Parkinson.
-
Tụt đường huyết.
-
Hạ huyết áp.
-
U não.
Vì vậy, khi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt và buồn nôn không rõ nguyên nhân, mọi người nên đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Đặc biệt, khi các triệu chứng này kéo dài hơn 3 ngày, gây khó khăn trong việc di chuyển và làm gián đoạn hoạt động hàng ngày, nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
4. Cách cải thiện và phòng ngừa đau đầu chóng mặt buồn nôn
Kế hoạch điều trị bao gồm dùng thuốc và các giải pháp can thiệp chuyên sâu sẽ được bác sĩ đưa ra cụ thể sau khi xác định chính xác nguyên nhân gây đau đầu, chóng mặt và buồn nôn. Tuy nhiên, để giảm nhẹ và hạn chế tái phát các triệu chứng này, bác sĩ khuyên mọi người nên thực hiện lối sống lành mạnh và khoa học.
Thay đổi lối sống góp phần chữa đau đầu chóng mặt buồn nôn tại nhà hiệu quả hơn. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng giúp hình thành lối sống tích cực, tốt cho não bộ và sức khỏe, từ đó hạn chế bùng phát cơn đau đầu, chóng mặt và buồn nôn:
-
Ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc: Nên chuẩn bị phòng ngủ đủ tối, sạch sẽ, yên tĩnh để dễ chìm vào giấc ngủ. Song song đó, không nên dùng các thiết bị điện tử và đồ uống chứa chất kích thích sát giờ đi ngủ.
-
Kiểm soát căng thẳng: Điều chỉnh cường độ làm việc hợp lý, không nên làm quá sức. Khi chịu áp lực lớn, hãy áp dụng các hoạt động giảm căng thẳng, chẳng hạn như đi dạo, nghe nhạc, đọc sách hoặc đi du lịch ngắn ngày…
-
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Mọi người nên xây dựng chế độ ăn uống phong phú để đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, trong đó nên tăng cường nhóm thực phẩm giàu sắt, kẽm, vitamin C… Đồng thời, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng và chứa nhiều gia vị.
-
Duy trì hoạt động thể dục, thể thao: Tập thể dục, thể thao đều đặn không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, mà còn thúc đẩy lưu thông máu, tăng độ nhạy bén và khả năng điều hành của não bộ. Nhờ đó, giảm tần suất và cường độ của chứng đau đầu theo thời gian. Các chuyên gia khuyên bạn nên tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần với các bộ môn thích hợp như thể dục nhịp điệu, đi bộ, bơi lội, khiêu vũ…
Bác sĩ cũng khuyến cáo thêm, đối với những trường hợp hay tụt đường huyết nên mang theo đồ ăn như bánh, kẹo ngọt bên mình; không đứng lên, ngồi xuống, cúi đầu, ngửa đầu quá đột ngột; không lái xe khi có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Đau đầu chóng mặt buồn nôn có thể tự hết mà không cần điều trị, nhưng nếu các triệu chứng này tái phát thường xuyên và ngày càng khó kiểm soát, mọi người nên đến ngay bệnh viện để thăm khám kỹ lưỡng. Chỉ khi tìm ra nguyên nhân cụ thể mới có thể điều trị đau đầu, chóng mặt và buồn nôn dứt điểm.