Cẩn thận với triệu chứng đau đầu mệt mỏi kéo dài

Đau đầu và mệt mỏi là những triệu chứng phổ biến và có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Đặc biệt, nếu gặp các vấn đề liên quan đến mạch máu hoặc thần kinh, đau đầu thường là triệu chứng nổi bật và có thể gây ra mệt mỏi kéo dài.

Nhức đầu có thể báo hiệu sự rối loạn trong hệ thần kinh, các vấn đề về giấc ngủ, tình trạng mất nước hoặc các bệnh mãn tính khác. Cảm giác mệt mỏi thường xuyên cũng có thể xuất phát từ bệnh lý như trầm cảm, mất ngủ hoặc đau cơ xơ hóa.

Đối với những người thường xuyên bị đau nửa đầu, mệt mỏi và thiếu năng lượng là hiện tượng rất dễ gặp. Mối liên hệ giữa đau đầu và tình trạng mệt mỏi có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp vấn đề cần được quan tâm.

Điểm danh các nguyên nhân gây đau đầu mệt mỏi kéo dài

Khi người bệnh gặp cùng lúc 2 triệu chứng này và kéo dài trên 2 tuần thì không nên xem thường, cần tìm hiểu sớm nguyên nhân và tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt. Thông thường, đau đầu mệt mỏi có thể đến từ những nguyên nhân phổ biến sau:

1. Đau nửa đầu

Đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh gây ra những cơn đau đầu dữ dội thường xuyên. Các triệu chứng đau nửa đầu có thể khởi phát từ một bên đầu sau đó lan ra hai bên. Trong giai đoạn này, nhiều người cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản và thiếu năng lượng.

Người bị đau nửa đầu thường cảm thấy uể oải, cáu kỉnh thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài. Mệt mỏi cùng với cơn đau dữ dội làm giảm chất lượng cuộc sống của những người bị đau nửa đầu.

Khi cơn đau đầu ập đến, nó được gọi là giai đoạn “tấn công”. Các triệu chứng khác bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh gây ra những cơn đau đầu dữ dội thường xuyên
Đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh gây ra những cơn đau đầu dữ dội thường xuyên

2. Hội chứng mệt mỏi mãn tính

Hội chứng này có thể gây nhức đầu thường xuyên và mệt mỏi. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân của hội chứng mệt mỏi mãn tính là không rõ, đặc trưng bởi cảm giác mệt mỏi liên tục ngay cả khi ngủ đủ giấc hay nghỉ ngơi. Các triệu chứng khác bao gồm đau đầu thường xuyên, đau cơ, đau khớp, khó ngủ và khó tập trung.

Tình trạng mệt mỏi khi mắc hội chứng này là nguyên nhân gây giảm hoạt động thể chất rõ rệt. Lúc  này, bạn cần đến chuyên khoa thần kinh thăm khám để được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp.

3. Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa là một rối loạn mãn tính có liên quan đến cơn đau lan rộng và mệt mỏi nói chung. Cơn đau thường xuất hiện ở các điểm mềm, còn được gọi là điểm kích hoạt, ở nhiều vùng trên cơ thể như: sau đầu, đỉnh đầu hai vai, vùng ngực trên, hông, đầu gối, khuỷu tay ngoài… Những người bị đau cơ xơ hóa cũng có thể bị đau đầu thường xuyên.

Cho đến nay, nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ khiến bệnh dễ xảy đến, bao gồm: Di truyền, chấn thương, nhiễm trùng, căng thẳng, stress, trầm cảm…

4. Rối loạn giấc ngủ

Bất kỳ rối loạn nào ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, như mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thiếu ngủ, ngủ nhiều, gặp ác mộng, ngưng thở khi ngủ…đều có thể gây đau đầu và mệt mỏi. Rối loạn giấc ngủ cũng liên quan đến chứng đau nửa đầu.

Lý do là khi mất ngủ, thiếu ngủ sẽ khiến hormone cortisol trong cơ thể tăng lên, có thể tác động tiêu cực đến tâm trạng. Các triệu chứng khác xảy ra khi nồng độ cortisol cao bao gồm tăng cân, khó chịu, nổi mụn, nhức đầu và mệt mỏi.

5. Thiếu máu não

Khi bị thiếu máu não, ngoài mệt mỏi, triệu chứng hay gặp và xuất hiện sớm chính là đau đầu và chóng mặt, hoa mắt, nhất là khi thay đổi tư thế. Nguyên nhân chính gây thiếu máu não là do gốc tự do tấn công gây tổn thương thành mạch, hình thành các mảng xơ vữa động mạch và cục huyết khối, làm hẹp lòng động mạch, cản trở máu lưu thông lên não, dẫn đến tình trạng thiếu máu não.

6. Bệnh trầm cảm

Nhức đầu mãn tính có thể là triệu chứng của rối loạn cảm xúc nghiêm trọng. Người bệnh thường đau đầu liên tục và mơ hồ vì không xác định rõ nguyên nhân gây chứng đau đầu. Thông thường, mọi người thường nghĩ đến nguyên nhân thể chất, ít quan tâm đến chứng lo âu, hoặc trầm cảm. Người bệnh thường có biểu hiện là nhức đầu thường xuyên với mức độ âm ỉ, đầu ong ong, đôi khi có cảm giác như chuột rút. Những cơn đau đầu này có thể kéo dài vài năm hoặc suốt đời.

7. Cảm lạnh, cảm cúm

Nhức đầu mệt mỏi cũng có thể là những triệu chứng phổ biến của bệnh cúm và cảm lạnh thông thường, đều do vi rút gây ra. Hầu hết thời gian, đau đầu và mệt mỏi sẽ đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt, chảy nước mũi, đau họng và ho.

Nhức đầu mệt mỏi cũng có thể là những triệu chứng phổ biến của bệnh cúm và cảm lạnh
Nhức đầu mệt mỏi cũng có thể là những triệu chứng phổ biến của bệnh cúm và cảm lạnh

8. Hạ đường huyết

Lượng đường trong máu thấp chủ yếu thường là do cơ thể không được cung cấp đủ lượng thức ăn cần thiết. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm đau đầu mệt mỏi kéo dài, đói, nhịp tim nhanh và dễ cáu kỉnh.

Đường huyết hạ trong thời gian dài có thể khiến bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đổ mồ hôi, chóng mặt, cảm giác lờ mờ hoặc mất ý thức. Biện pháp khắc phục nhanh nhất và hiệu quả nhất trong trường hợp này chính là nạp thức ăn cho cơ thể.

9. Chấn động

Chấn động là một chấn thương não tạm thời và thường là kết quả của chấn thương hoặc va chạm vào đầu.

Nếu bị va đập chấn thương thì thăm khám để được kiểm tra, chụp chiếu những tổn thương ở não do chấn động. Ngoài nhức đầu và mệt mỏi, các triệu chứng khác của chấn động bao gồm: sự bất tỉnh, vấn đề về trí nhớ, nôn mửa liên tục, thay đổi hành vi, sự hoang mang, mờ mắt.

Ngoài ra, những cơn nhức đầu mệt mỏi kéo dài có thể do nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc (thuốc lợi tiểu, thuốc cao huyết áp…), caffeine (gây kích thích hệ thần kinh trung ương), hay cơ thể không uống đủ nước… có thể tác nhân làm cản trở giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi đau đầu.

Như vậy, đau đầu mệt mỏi có thể đến từ nguyên nhân rõ ràng, và cũng có trường hợp cơn đau đầu ập đến không rõ nguyên nhân. Nếu trường hợp cơn đau đầu đến từ nguyên nhân từ bên ngoài thì mọi người cần điều chỉnh ngay lối sống như ngừng sử dụng caffeine, uống nước đủ, sống tích cực, lạc quan, ngủ đủ giấc, bổ sung các dưỡng chất tốt cho não bộ…Trường hợp đã thay đổi lối sống, bổ sung các dưỡng chất chăm sóc não bộ nhưng vẫn không cải thiện, bạn nên đến chuyên khoa thần kinh để được thăm khám, điều trị kịp thời.