Đau đầu khi hành kinh: Nguyên nhân và cách điều trị

Trong kỳ kinh nguyệt, ngoài những cơn đau bụng quen thuộc, nhiều phụ nữ còn gặp phải tình trạng đau đầu, gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt và công việc hàng ngày.

Vậy nguyên nhân gây ra đau đầu trong thời gian này là gì và cách điều trị ra sao? Những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Đau đầu khi hành kinh là gì?

Đau đầu khi hành kinh là cảm giác đau nhức khó chịu ở đầu khi đến kỳ kinh nguyệt. Tình trạng đau đầu khi đến tháng có thể xuất hiện trước ngày đèn đỏ một vài ngày, kéo dài trong những ngày hành kinh và giảm dần khi kết thúc kỳ kinh mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Triệu chứng đau đầu khi hành kinh

Những cơn đau đầu trong chu kỳ kinh nguyệt có khi dữ dội, cũng có khi chị em chỉ bị đau một bên đầu, dạng này thường phổ biến hơn cả, nó được gọi là “đau nửa đầu khi hành kinh”.

Đau nửa đầu do kinh nguyệt có thể xảy ra trước, trong hoặc ngay sau kỳ kinh. Ngoài ra, nó cũng có thể xuất hiện trong thời kỳ rụng trứng. Triệu chứng đau nửa đầu do kinh nguyệt gần giống với triệu chứng của các loại đau nửa đầu khác như:

  • Bị đau đầu từ âm ỉ đến đau nhói dữ dội.

  • Cảm thấy nóng, đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh

  • Nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn và mùi.

  • Ăn không ngon

  • Hoa mắt, chóng mặt

  • Da nhợt nhạt, xanh xao

  • Mệt mỏi, khó chịu

  • Cảm thấy khó chịu ở dạ dày, đau bụng, buồn nôn và nôn

Những cơn đau đầu trong chu kỳ kinh nguyệt có khi dữ dội, cũng có khi chị em chỉ bị đau một bên đầu
Những cơn đau đầu trong chu kỳ kinh nguyệt có khi dữ dội, cũng có khi chị em chỉ bị đau một bên đầu

Kinh nguyệt liên quan đến đau đầu như thế nào?

Đau đầu ở phụ nữ, đặc biệt là chứng đau nửa đầu có liên quan đến sự thay đổi nồng độ estrogen – một loại hormone tham gia vào kiểm soát một số quá trình xảy ra ở trong não. Việc sụt giảm estrogen trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt có thể làm giãn nở mạch máu, thay đổi áp suất lòng mạch và làm khởi phát các cơn đau đầu. Có đến 60 – 70% phụ nữ bị đau nửa đầu nói rằng họ bị đau đầu là do có liên quan đến kinh nguyệt.

Bên cạnh đó, căng thẳng thần kinh, mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt cũng là một trong những yếu tố khiến chị em bị nhức đầu khi hành kinh.

Nguyên nhân gây đau đầu khi tới tháng

Để tìm lời giải cho nguyên nhân gây đau đầu khi hành kinh, chị em có thể kiểm tra một số nguyên nhân sau:

Thay đổi nồng độ estrogen và progesterone là một trong những nguyên nhân chính gây đau nhức đầu khi hành kinh. Vào khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng, nồng độ estrogen sẽ tăng lên để kích thích rụng trứng. Ngoài ra, hormone progesterone cũng tăng lên để giúp trứng bám vào tử cung. Đến cuối chu kỳ mà không có sự thụ tinh, nồng độ hormone estrogen và progesterone sẽ giảm xuống đột ngột khiến chị em bị đau đầu.

Trung bình, một chu kỳ kinh nguyệt chị em có thể bị mất khoảng 50 – 80ml máu. Nếu lượng máu mất đi quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa oxy lên não cũng như các cơ quan khác, khiến phái đẹp bị đau đầu, chóng mặt, bủn rủn tay chân. Ngoài ra, thiếu máu thiếu sắt do mất máu quá nhiều trong thời kỳ hành kinh cũng gây ra chứng đau nửa đầu kinh nguyệt và khiến cơn đau nặng hơn.

Hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm các triệu chứng điển hình như dễ kích thích, lo lắng, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, phù, đau ngực và đau đầu, thường xảy ra trong 7-10 ngày trước đó và thường kết thúc vài giờ sau khi bắt đầu kinh nguyệt. Tình trạng này có thể khiến chị em bị đau đầu do sự suy giảm estrogen và progesterone trước chu kỳ kinh nguyệt.

Căng thẳng/stress do áp lực công việc hay học tập là nguyên nhân phổ biến gây đau đầu, dù đó là đau đầu thông thường hay đau đầu trong ngày đèn đỏ.

Chứng đau nửa đầu kinh nguyệt là tình trạng đau nhói nghiêm trọng bắt đầu từ một bên trán và di chuyển sang bên còn lại, kèm theo cơn đau là triệu chứng buồn nôn, nôn, nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng. Theo Tổ chức nghiên cứu về nhức đầu của Mỹ (National Headache Foundation), chứng đau nửa đầu kinh nguyệt ảnh hưởng đến khoảng 60% phụ nữ. Chị em có tiền sử đau nửa đầu hoặc thường xuyên bị đau nửa đầu trong ngày thường có nguy cơ bị đau nửa đầu kinh nguyệt cao hơn những đối tượng khác.

Theo các chuyên gia, đau đầu nói chung, đau đầu khi hành kinh nói riêng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó có một nguyên nhân mà rất ít người chú ý đến – gốc tự do được sinh ra liên tục trong quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dưới các yếu tố tác động như căng thẳng, stress, lối sống thiếu khoa học,…

Khi các gốc tự do và các hóa chất trung gian sinh ra trong quá trình chuyển hóa ở não làm gia tăng hoạt động bạch cầu, khởi phát quá trình viêm, sản sinh chất gây giãn mạch làm tổn thương nội mạc mạch máu. Tình trạng này xảy ra quá mức làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu dẫn đến rối loạn vận mạch, khiến mạch máu não giãn nở, biến đổi bất thường và gây nên cơn đau ở đầu. Những triệu chứng này tuy không ảnh hưởng lớn đến tình hình sức khỏe nhưng lại gây ra những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng cuộc sống của chị em.

đau đầu khi hành kinh nói riêng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau
Đau đầu khi hành kinh nói riêng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Cách chữa đau đầu khi hành kinh

Hiện nay, đau đầu khi hành kinh có thể được điều trị bằng một số phương pháp sau:

  • Dùng thuốc chữa đau đầu khi hành kinh

Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng đau đầu cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp cho từng người bệnh như:

    • Thuốc kê toa: Một số loại thuốc kê toa như opioids, glucocorticoids, dihydroergotamine và ergotamine có thể được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu. Bên cạnh đó, Triptans – chất chủ vận thụ thể serotonin có chọn lọc, cũng là một trong những loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính.
    • Thuốc không kê toa: Trường hợp đau đầu do căng thẳng, đau đầu do thiếu sắt chị em có thể sử dụng thuốc chống viêm steroid, thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, aspirin, naproxen, acetaminophen để làm giảm các cơn đau đầu khi hành kinh.
  • Liệu pháp ổn định hormone

    Với những trường hợp đau đầu kinh nguyệt kéo dài, đau đầu do nội tiết tố, sử dụng thuốc giảm đau không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị chị em áp dụng liệu pháp hormone. Liệu pháp này có thể giúp cân bằng lượng hormone trong cơ thể, từ đó giúp giảm tần suất các cơn đau đầu trong ngày đèn đỏ một cách hiệu quả. Bác sĩ có thể kê đơn bổ sung estrogen bằng thuốc viên, gel hoặc miếng dán để điều chỉnh sự mất cân bằng hormone.

  • Châm cứu

    Châm cứu có thể giúp kích thích giải phóng endorphin, một chất dẫn truyền thần kinh ở trong não, giúp giảm căng thẳng và đau đầu khi gần đến kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, để tiến hành liệu pháp trị liệu này một cách an toàn và hiệu quả, chị em cần đến các phòng khám, cơ sở y tế chuyên khoa y học cổ truyền uy tín để tư vấn và thực hiện.

  • Bổ sung dưỡng chất chống gốc tự do, tăng cường máu lên não

    Như đã chia sẻ ở trên, một trong những nguyên nhân chủ chốt gây đau đầu là da các gốc tự do tăng sinh quá mức tấn công lên não. Do đó, để giải quyết được tình trạng đau đầu từ gốc, người bệnh nên chủ động bổ sung một số dưỡng chất có khả năng tiến sâu vào hàng rào máu não, hỗ trợ chống lại tình trạng gốc tự do tăng sinh quá mức, hoạt huyết não

  • Chườm lạnh

    Chườm lạnh là mẹo chữa đau đầu kinh nguyệt đơn giản tại nhà được nhiều người áp dụng. Chị em có thể sử dụng túi nước đá để chườm lên trán trong khoảng 10 phút để làm chậm quá trình truyền tín hiệu đau của dây thần kinh, giúp giảm tình trạng sưng viêm và cảm giác đau nhức ở đầu trong ngày hành kinh.

Biện pháp giúp phòng ngừa đau đầu kinh nguyệt

Để ngăn ngừa tình trạng đau đầu khi hành kinh nguyệt, chị em cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, làm việc quá sức: Tạo cho mình một lối sống thư giãn, thoải mái, không tự đầu độc mình bằng những suy nghĩ tiêu cực, bởi những điều này rất có hại cho hệ thần kinh. Tâm trạng vui vẻ sẽ giúp loại bỏ được phần lớn tác nhân gây bệnh, tránh được trạng thái căng thẳng, hạn chế tăng sinh gốc tự do, loại bỏ sự ức chế thần kinh – vốn là nguyên nhân khiến các cơn đau đầu khi hành kinh tái phát.
  • Bên cạnh đó, chị em cũng nên lưu ý nghỉ ngơi nhiều hơn trong những ngày hành kinh, ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm để tái tạo năng lượng cho ngày làm việc mới, đồng thời giúp đẩy lùi tình trạng đau đầu, đau nửa đầu.
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày: Việc tập luyện thể dục thường xuyên nhưng không quá sức giúp phòng ngừa chứng đau đầu hiệu quả, do khi tập luyện cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng hoạt chất giúp bạn duy trì sự tích cực, lạc quan trong suy nghĩ.
Việc tập luyện thể dục thường xuyên nhưng không quá sức giúp phòng ngừa chứng đau đầu hiệu quả
Việc tập luyện thể dục thường xuyên nhưng không quá sức giúp phòng ngừa chứng đau đầu hiệu quả
  • Tránh các loại thực phẩm gây đau đầu: Trước và trong những ngày hành kinh, chị em nên tránh sử dụng các loại thức uống có chứa các chất kích thích như rượu, trà, cà phê, nước ngọt có ga và các loại thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, phô mai …vì chúng có thể kích hoạt cơn đau đầu, khiến tình trạng đau nửa đầu nghiêm trọng hơn.
  • Ăn uống đủ chất, tăng cường thực phẩm bổ máu: Bên cạnh việc ăn uống khoa học, cân bằng, chị em nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt, giúp bổ máu như thịt bò, ức gà, hạt bí ngô, gan, đậu phụ, nấm, bông cải xanh… để ngăn ngừa tình trạng đau đầu do thiếu máu, thiếu sắt khi hành kinh.

Đau đầu khi hành kinh nếu không quá nghiêm trọng, chị em có thể áp dụng một số cách chữa đau đầu kinh nguyệt tại nhà để làm dịu cơn đau. Nhưng nếu tình trạng đau đầu này xảy ra thường xuyên, kèm theo triệu chứng đau nửa đầu như buồn nôn và nôn, cơ thể suy nhược,… hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó có hướng can thiệp phù hợp.