Trong thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, không ít mẹ bầu bị đau đầu. Mặc dù, đau đầu khi mang thai không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng lại khiến mẹ bầu mệt mỏi, suy nhược. Để hiểu rõ hơn về hiện tượng đau đầu khi mang thai, chị em có thể tham khảo những thông tin hữu ích được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
1. Đau đầu khi mang thai là gì?
Theo các nghiên cứu, có khoảng 39% phụ nữ mang thai gặp tình trạng đau đầu. Phần lớn các cơn đau đầu trong thai kỳ là đau đầu nguyên phát, không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể là đau đầu thứ phát, xuất phát từ các biến chứng thai kỳ như tăng huyết áp.
Mẹ bầu có thể gặp các dạng đau đầu như đau nửa đầu, đau đầu từng cụm hoặc đau đầu do căng thẳng. Nếu tình trạng đau đầu kéo dài, mãn tính hoặc có tiền sử đau nửa đầu, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và theo dõi kịp thời.
2. Triệu chứng đau đầu khi mang thai
Triệu chứng đau đầu khi mang thai có thể khác nhau ở mỗi mẹ bầu, bao gồm:
- Cảm giác đau âm ỉ kéo dài
- Đau theo nhịp đập mạch máu
- Đau dữ dội ở một hoặc cả hai bên đầu
- Đau nhói sau một hoặc cả hai hốc mắt
Đặc biệt, cơn đau nửa đầu có thể đi kèm các biểu hiện như buồn nôn, nôn ói, nhìn thấy tia sáng, chớp sáng hoặc xuất hiện các điểm mù trong tầm nhìn.
3. Nguyên nhân gây đau đầu khi mang thai
Nguyên nhân gây đau đầu khi mang thai có thể khác nhau tùy vào từng giai đoạn của thai kỳ:
Đau đầu ở tam cá nguyệt đầu tiên
Trong 3 tháng đầu, đau đầu do căng thẳng khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là sự thay đổi trong cơ thể như biến đổi nội tiết tố, tăng cân, và gia tăng lưu lượng máu. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể bị đau đầu do thiếu ngủ, ốm nghén, mất nước, lượng đường huyết thấp, thiếu hụt dinh dưỡng, ít vận động, nhạy cảm với ánh sáng hoặc căng thẳng tâm lý.
Đau đầu ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba
Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, đau đầu có thể bắt nguồn từ thiếu ngủ, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, căng cơ, trọng lượng cơ thể tăng nhanh, tiểu đường thai kỳ hoặc huyết áp cao.
4. Đau đầu khi mang thai có nguy hiểm không?
Các cơn đau đầu nhẹ khi mang thai thường xuất hiện thoáng qua và biến mất nhanh chóng, đặc biệt khi mẹ bầu bước vào tháng thứ 4 hoặc sau khi sinh. Loại đau đầu này thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, nên không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, trong trường hợp đau đầu dữ dội hoặc do tăng huyết áp, mẹ bầu cần hết sức lưu ý, vì huyết áp cao có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, đột quỵ, nhau bong non hoặc sinh non trước 37 tuần nếu không được điều trị kịp thời.
Đặc biệt, nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường kèm theo cơn đau đầu, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để thăm khám ngay, bao gồm:
- Cơn đau đầu kéo dài, không thuyên giảm hoặc xuất hiện đột ngột trong lúc ngủ.
- Sưng phù ở tay, chân hoặc mặt.
- Đau đầu kèm sốt cao, rối loạn thị lực hoặc cứng cổ.
- Đau đầu kèm đau bụng trên hoặc dưới vùng xương sườn.
- Tăng cân nhanh chóng không liên quan đến trọng lượng thai nhi.
5. Cách chữa đau đầu cho bà đầu
Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, mẹ bầu nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về tình trạng sức khỏe và các cơn đau đầu gặp phải trong thai kỳ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm đau khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ.
Nếu cơn đau đầu không nghiêm trọng, mẹ bầu có thể áp dụng một số cách giảm đau an toàn như sau:
- Chườm ấm hoặc lạnh: Dùng túi chườm ấm hoặc lạnh đặt lên vùng đau, cổ, hoặc thái dương có thể giúp giảm đau hiệu quả.
- Massage nhẹ nhàng: Xoa bóp vùng đầu, cổ, vai giúp tăng cường tuần hoàn máu lên não và giảm căng thẳng, mang lại cảm giác thư thái.
- Tắm nước ấm: Tắm dưới vòi sen hoặc ngâm mình trong nước ấm có thể giảm đau đầu do căng cơ. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lâu.
- Uống trà gừng: Một tách trà gừng ấm có thể giảm buồn nôn và làm dịu cơn đau nửa đầu hiệu quả.
- Xông tinh dầu: Tinh dầu thiên nhiên như sả, hương thảo hoặc chanh có thể giúp mẹ bầu thư giãn và giảm các cơn đau đầu do viêm xoang hoặc nghẹt mũi.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ từ 7-10 tiếng mỗi ngày giúp cơ thể phục hồi năng lượng và giảm tần suất các cơn đau. Hãy đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, thoáng mát để giấc ngủ sâu hơn.
- Ăn uống đầy đủ: Bổ sung chế độ ăn giàu dinh dưỡng với đủ các nhóm chất như protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Chia nhỏ bữa ăn 5-6 lần/ngày giúp tăng hiệu quả hấp thu và ngăn ngừa hạ đường huyết gây đau đầu.
- Hạn chế thực phẩm gây đau đầu: Một số thực phẩm như chocolate, phô mai, sữa chua, rượu và thịt xông khói có thể kích thích cơn đau nửa đầu, nên hạn chế sử dụng nếu có tiền sử đau đầu khi mang thai.
- Uống đủ nước: Uống từ 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày, kết hợp nước ép trái cây tươi để bổ sung vitamin. Tránh các loại nước có ga và nước ép đóng chai.
- Tập thể dục: Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc thiền giúp tăng cường lưu thông máu, nâng cao tinh thần và giảm các cơn đau đầu khó chịu trong thai kỳ.
Đau đầu khi mang thai là tình trạng khá phổ biến, nhưng mẹ bầu không nên xem nhẹ. Việc thăm khám thai định kỳ và chú ý đến các dấu hiệu sức khỏe là rất quan trọng. Nếu cơn đau đầu xảy ra thường xuyên và kéo dài, mẹ bầu cần thông báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.