Khi thời tiết thay đổi thất thường với nắng gắt hay mưa lạnh đột ngột, nhiều người thường gặp phải các cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu, từ nhẹ đến dữ dội. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm hiểu nguyên nhân và cách cải thiện tình trạng này, dẫn đến việc bệnh tiến triển nặng hơn. Thậm chí, nó còn tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến tai biến mạch máu não, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
1. Vì sao bị đau đầu khi thay đổi thời tiết?
Đau đầu do thời tiết thường xảy ra khi nhiệt độ biến đổi đột ngột, khiến hệ thống mạch máu phải thích nghi nhanh chóng. Sự co lại của mạch máu kích thích tuyến thượng thận tiết ra các chất như catecholamine, gây co mạch ngoại vi. Đồng thời, gan cũng huy động tối đa lượng đường dự trữ để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Căng thẳng từ thời tiết và các yếu tố khác dễ dẫn đến chứng đau đầu kéo dài, thường đi kèm mất ngủ triền miên. Khi mất ngủ trở thành vấn đề, tình trạng đau đầu càng trầm trọng hơn, đặc biệt là ở những người làm việc văn phòng. Những cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, gây mệt mỏi, choáng váng, suy giảm khả năng tập trung và hiệu suất công việc.
Vào mùa hè, mồ hôi tiết nhiều làm cơ thể dễ bị mất nước. Nếu không bổ sung đủ nước kịp thời, não bộ thiếu hụt năng lượng có thể gây ra đau đầu, nhất là khi thay đổi tư thế. Nắng nóng cũng làm giấc ngủ trở nên chập chờn, dẫn đến rối loạn hoạt động trí não, stress, nhức mỏi toàn thân. Ngoài ra, thói quen uống đồ lạnh ngay sau khi đi dưới trời nắng có thể làm gia tăng nguy cơ đau đầu, viêm họng và mệt mỏi.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiệt độ tăng cao có liên hệ trực tiếp đến số ca cấp cứu vì đau đầu. Cụ thể, nhiệt độ chỉ cần tăng khoảng 5 độ C thì ngày hôm sau, tỷ lệ nhập viện vì đau đầu tăng 7,5%. Thêm vào đó, hiện tượng giảm áp suất không khí – thường xảy ra trước khi trời mưa – cũng khiến số ca đau đầu tăng rõ rệt trong 48-72 giờ sau.
2. Dấu hiệu không thể bỏ qua
Đau đầu khi thời tiết thay đổi thường có đặc điểm chung như cảm giác âm ỉ, tê buốt, hoặc đau dữ dội, đôi khi lan xuống hốc mắt, mũi, kèm theo tình trạng choáng váng. Những cơn đau này thường xuất hiện vào các thời điểm thời tiết trở nên khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh), hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột, chẳng hạn từ nắng sang mưa. Chúng cũng có thể xảy ra khi di chuyển giữa môi trường có nhiệt độ chênh lệch lớn, như từ ngoài trời nắng vào phòng máy lạnh, tắm quá sớm hoặc muộn, hay đi du lịch đến nơi có khí hậu khác biệt.
Một số người nhạy cảm đến mức ví mình như “cỗ máy dự báo thời tiết” vì mỗi lần đau đầu lại trùng khớp với những biến đổi trong khí hậu, như trời chuẩn bị mưa hoặc chuyển mùa. Những cơn đau có thể ập đến bất ngờ, không kể sáng, trưa hay tối, khiến người bệnh luôn ở trạng thái lo lắng.
Thời điểm giao mùa hoặc thời tiết thay đổi thất thường, số lượng người tìm đến các phòng khám chuyên khoa thần kinh vì đau đầu tăng đáng kể. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chịu đựng mà không đi khám, dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài. Các cơn đau thường thuộc hai dạng chính: đau toàn bộ đầu hoặc đau nửa đầu, với biểu hiện tê buốt từng đợt hoặc đau dữ dội, gây suy giảm sức khỏe nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, cuộc sống hàng ngày.
3. Bệnh lý nào “báo động” những cơn đau đầu do thời tiết ?
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, sự nhạy cảm với thời tiết ở những người thường xuyên đau đầu có mối liên hệ mật thiết với rối loạn hoạt động não và tổn thương mạch máu, thường do các yếu tố như mất ngủ, căng thẳng hoặc xơ vữa động mạch.
Đau đầu và mất ngủ là một cặp vấn đề sức khỏe thường đi đôi, tạo thành vòng luẩn quẩn bệnh lý khó dứt, đồng thời gia tăng nguy cơ đột quỵ. Dưới tác động của thời tiết và căng thẳng, người bị đau đầu dễ mắc chứng mất ngủ kéo dài, và mất ngủ càng làm tình trạng đau đầu thêm dai dẳng, dữ dội hơn. Đặc biệt, những người làm công việc văn phòng thường bị các cơn đau đầu âm ỉ hoặc dữ dội khiến cơ thể mệt mỏi, suy giảm tập trung và giảm hiệu quả làm việc đáng kể.
Nghiên cứu sinh học phân tử đã chỉ ra rằng đau đầu, mất ngủ và tổn thương mạch máu có liên quan chặt chẽ đến sự xuất hiện của gốc tự do. Gốc tự do được sinh ra liên tục từ các quá trình nội sinh (trao đổi chất tự nhiên) và ngoại sinh (stress, thực phẩm độc hại, hóa chất…). Chúng không chỉ gây đau đầu, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, thoái hóa thần kinh (như Alzheimer) mà còn là yếu tố góp phần gây đột quỵ – căn bệnh nguy hiểm dẫn đến tỷ lệ tử vong 50% và di chứng liệt hoặc tổn thương não vĩnh viễn ở những người sống sót.
Các chuyên gia cho biết gốc tự do tấn công liên tục vào não bộ sẽ làm suy yếu hàng rào bảo vệ tự nhiên, gây tổn thương mạch máu não, kích thích phản ứng viêm, hình thành mảng xơ vữa và cản trở lưu thông máu. Kết quả là thiếu máu não, một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đột quỵ. Vì vậy, không nên chủ quan với các cơn đau đầu khi thời tiết thay đổi, vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến não.
4. Những sai lầm cần tránh ngay khi bị đau đầu do thời tiết
Để kiểm soát hiệu quả tình trạng đau đầu, người bệnh cần tránh các thói quen sau:
- Chủ quan, bỏ qua triệu chứng: Đau đầu do thời tiết gây nhiều khó chịu, nhưng không ít người xem nhẹ, nghĩ rằng cơn đau sẽ tự hết khi thời tiết ổn định. Tuy nhiên, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi tái phát, và tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ, gây đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
- Áp dụng các phương pháp dân gian không đúng cách: Nhiều người thường dùng bạc đánh gió, xoa bóp dầu nóng, bấm huyệt hoặc uống trà nóng khi bị đau đầu. Dù các phương pháp này mang lại cảm giác dễ chịu tức thời, nhưng chúng không giải quyết được nguyên nhân sâu xa, đặc biệt trong trường hợp tổn thương mạch máu não. Tự ý thực hiện cạo gió hoặc bấm huyệt có thể gây tổn hại thêm, tăng nguy cơ xuất huyết hoặc hình thành huyết khối, dẫn đến tắc nghẽn hoặc vỡ mạch, gây đột quỵ.
- Lạm dụng thuốc giảm đau: Việc tự ý sử dụng thuốc giảm đau mà không hiểu rõ cơ chế và tác dụng phụ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chỉ một số ít trường hợp được chỉ định dùng thuốc giảm đau lâu dài, trong khi đa số người bệnh không nên lạm dụng. Việc sử dụng thuốc không đúng cách có thể làm tình trạng chuyển thành đau đầu mãn tính, kèm theo những rủi ro như viêm loét dạ dày, tổn thương gan và thận.
Đặc biệt, các biện pháp “cắt cơn” tạm thời hoặc sử dụng thuốc không đúng chỉ định có thể che lấp các dấu hiệu cảnh báo sớm của tăng huyết áp hoặc đột quỵ. Điều này không chỉ làm người bệnh chậm phát hiện tình trạng nguy hiểm mà còn bỏ lỡ thời điểm can thiệp y tế kịp thời.
Đau đầu do thời tiết không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, việc tìm ra phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả là điều vô cùng quan trọng.