Đau nửa đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán

Đau nửa đầu là một trong những loại đau đầu phổ biến, chiếm khoảng 20% trong số các trường hợp mắc chứng đau đầu hiện nay. Điều đáng lo ngại là căn bệnh này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như trầm cảm, đột quỵ, thoái hóa võng mạc, thậm chí gây mất thị lực. Vì vậy, việc chủ động tìm hiểu và phòng ngừa chứng đau nửa đầu từ sớm là điều vô cùng quan trọng.

1. Đau nửa đầu là bệnh gì?

Đau nửa đầu hay thường được gọi là đau đầu Migraine thường là một cơn đau đầu vừa phải hoặc dữ dội với cảm giác đau nhói ở một bên đầu. Cũng có thể kèm các triệu chứng như cảm thấy buồn nôn, ốm yếu và tăng độ nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh. Cơn đau có thể diễn ra từ vài giờ cho đến vài ngày và tùy vào mức độ mà cơn đau có thể ở mức trung bình hoặc đau dữ dội.

Hiện nay, đau nửa đầu có thể được phân loại thành nhiều loại, bao gồm:

  • Không có dấu hiệu thoáng qua: Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu báo trước.

  • Có dấu báo thoáng qua (aura): Trước khi cơn đau đầu diễn ra, người bệnh sẽ nhận được các dấu hiệu cảnh báo thoáng qua như tê ở mặt hoặc một bên cơ thể, rối loạn thị giác, nghe thấy tiếng ồn một bên tai,…

  • Có dấu báo thoáng qua nhưng không đau đầu: Còn được gọi là đau nửa đầu thầm lặng. Người bị có thể nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo hoặc có một số triệu chứng có thể xuất hiện nhưng sau đó lại không thấy đau đầu.

Cơn đau có thể diễn ra từ vài giờ cho đến vài ngày
Cơn đau có thể diễn ra từ vài giờ cho đến vài ngày

2. Nguyên nhân đau nửa đầu

Cho đến nay, nguyên nhân gây đau nửa đầu vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng yếu tố di truyền và môi trường được xác định phần nào gây ra tình trạng này.

Có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cơ chế gây bệnh, trong đó giả thuyết được công nhận nhiều nhất là bệnh có liên quan đến sự thay đổi trong nhân vỏ não và hoạt động của dây thần kinh sinh ba.

Ngoài ra, khi các chất dẫn truyền thần kinh serotonin bị phóng thích đột ngột khi bị mất ngủ, stress, sử dụng các chất kích thích hoặc thay đổi hormone cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra đau nửa đầu.

Cùng với đó, một số tác nhân kích thích xuất hiện như:

  • Thay đổi nội tiết tố ở nữ: Sự biến động của nồng độ estrogen trong thời kỳ mang thai, mãn kinh, trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt ở chị em phụ nữ.
  • Kích thích cảm giác: Ánh sáng chói, âm thanh lớn, mùi nồng mạnh (khói thuốc, mùi sơn, nước hoa…). Ngoài ra, sự thay đổi của thời tiết hoặc áp suất không khí cũng có thể gây ra cơn đau ở một số người.
  • Các yếu tố thể chất: Hoạt động thể chất với cường độ mạnh, kể cả quan hệ tình dục cũng có khi gây ra tình trạng này.
  • Stress: Những áp lực, lo âu trong công việc, cuộc sống cũng có thể kích thích đau nửa đầu sau xuất hiện.
  • Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, ngủ quá nhiều, rối loạn giấc ngủ cũng có thể gây ra bệnh này
  • Thực phẩm: thói quen ăn số thực phẩm như chocolate, phô mai, hành tây; thức ăn giàu chất béo và tính axit; thực phẩm mặn, chứa chất tạo ngọt và chất bảo quản; đồ uống có cồn và cafein… cũng được cho là có khả năng thúc đẩy bệnh đau nửa đầu.

3. Triệu chứng đau nửa đầu Migraine

Đau nửa đầu Migraine là bệnh lý thần kinh khá phổ biến hiện nay nhưng để có thể tự nhận biết bệnh là điều rất khó.

Triệu chứng đau nửa đầu thường tiến triển qua 4 giai đoạn: Tiền triệu, dấu báo thoáng qua, khởi phát và sau cơn đau với các dấu hiệu khác nhau.

Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng đều trải qua đầy đủ tất cả các giai đoạn này.

Giai đoạn tiền triệu (Prodom)

Một hoặc 2 ngày trước khi cơn đau diễn ra, người bệnh có thể cảm nhận thấy những dấu hiệu cơn đau sắp đến như:

  • Đột nhiên thấy khó chịu, trở nên cáu kỉnh với mọi người xung quanh, tâm trạng bứt rứt u uất.
  • Liên tục cảm thấy đói và muốn ăn nhưng đôi khi lại cảm thấy buồn nôn khi tiếp xúc với đồ ăn.
  • Tăng cảm giác khát nước và đi tiểu nhiều.
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải, ngáp thường xuyên.

Giai đoạn có dấu báo thoáng qua (aura)

Ở một số người bệnh có thể gặp các dấu hiệu cảnh báo thoáng qua trước khi cơn đau xuất hiện. Những triệu chứng đau nửa đầu thường bắt đầu dần dần, rõ ràng hơn trong vài phút và kéo dài trong khoảng 20–60 phút:

  • Mất thị lực tạm thời, rối loạn thị giác như nhìn thấy nhiều điểm sáng, tia sáng lóe lên hay nhiều hình dạng khác nhau.
  • Cảm giác châm chích ở một bên cánh tay hay chân
  • Có cảm giác yếu hoặc tê ở mặt hoặc một bên cơ thể
  • Gặp khó khăn khi nói chuyện
  • Nghe thấy các tiếng ồn hay nhạc bên tai
  • Cảm thấy mất cân bằng, không thể kiểm soát chuyển động cơ thể.

Giai đoạn khởi phát (Attack)

Sau khi giai đoạn tiền triệu chứng kết thúc, cơn đau sẽ đến và gây ra cơn đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải, có khi đau nhói cả hai bên đầu. Những cơn đau nhói như búa bổ là dấu hiệu điển hình của một cơn đau và thường trở nên nặng hơn khi di chuyển hoặc hoạt động thể chất. Ngoài những cơn đau, trong giai đoạn này người bệnh còn thường cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Giai đoạn sau (Post-drome)

Sau khi cơn đau biến mất, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, sức lực dường như bị rút cạn, không còn tỉnh táo. Nhưng ngược lại, một số ít người bệnh lại cảm thấy khoan khoái, khỏe khoắn một cách bất thường sau cơn đau.

Đau nửa đầu Migraine là bệnh lý thần kinh khá phổ biến hiện nay nhưng để có thể tự nhận biết bệnh là điều rất khó.
Đau nửa đầu Migraine là bệnh lý thần kinh khá phổ biến hiện nay.

4. Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh đau nửa đầu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau nửa đầu có thể kể đến như:

  • Tiền sử gia đình: Theo một số nghiên cứu, nếu trong gia đình bạn có người thân mắc bệnh thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường khác, cụ thể: Nếu cha hoặc mẹ bị Migraine thì 40% con cái có khả năng mắc chứng đau đầu này. Nếu cả cha và mẹ bị Migraine thì 75% con cái có thể bị Migraine.
  • Tuổi tác: Chứng bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên bệnh thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên và xu hướng lên đến đỉnh điểm trong độ tuổi 30, và mức độ giảm dần sau mỗi 10 năm.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc tình trạng này cao gấp 3 lần nam giới. Ngoài ra, các cơn đau ở nữ thường nặng hơn và ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hơn so với nam giới.

Ngoài ra, người thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi; thường xuyên sử dụng chất tạo ngọt, bia rượu, đồ uống có cồn cũng có nguy cơ bị đau nửa đầu cao hơn bình thường.

5. Chẩn đoán chứng đau nửa đầu

Hiện nay, để chẩn đoán đau nửa đầu, đầu tiên bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám lâm sàng, hỏi bạn một số vấn đề liên quan để chẩn đoán ban đầu về bệnh lý mà bạn mắc phải như vị trí đau, tần suất đau, mức độ cơn đau, tiền sử bệnh cá nhân và gia đình…

Sau khi thăm khám lâm sàng, nếu cơn đau của bạn nghiêm trọng, kèm theo nhiều triệu chứng phức tạp, bác sĩ sẽ thăm khám cận lâm sàng, yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm và có thể gây đau nửa đầu khác như:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm xem xét tủy sống hoặc não bộ có bị xuất huyết hay viêm nhiễm gì không.
  • Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ): Kỹ thuật này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của não và các mạch máu não. Từ hình ảnh chụp não, bác sĩ có thể chẩn đoán được các bệnh lý  ở não như: u não, viêm màng não, xuất huyết trong não và các bất thường khác của hệ thần kinh trung ương.
  • Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính): Kỹ thuật này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết não bộ của người bệnh. Dựa vào hình ảnh thu được, bác sĩ có thể xem xét được tình trạng bệnh, phát hiện được một số bất thường ở não như: sự xuất hiện của khối u, tổn thương não,…

6. Biện pháp điều trị bệnh đau nửa đầu

Hiện nay, điều trị đau nửa đầu chủ yếu tập trung vào điều trị cắt cơn đau cấp tính và điều trị phòng ngừa cơn đau tái phát. Tùy thuộc vào tình trạng đau nửa đầu mà người bệnh có thể được chỉ định dùng các loại thuốc điều trị khác nhau:

  • Thuốc giảm đau dùng điều trị các cơn đau và giảm bớt các triệu chứng.
  • Thuốc phòng ngừa có thể dùng trong thời gian dài (hơn 3 tháng) để giảm bớt mức độ nghiêm trọng hoặc tần suất xuất hiện.

Dùng thuốc

Một số loại thuốc trị đau nửa đầu như:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Các loại thuốc này bao gồm: Aspirin, Ibuprofen,  Acetaminophen… có tác dụng giảm đau ở mức độ nhẹ, đạt hiệu quả giảm đau khi các triệu chứng vừa mới xuất hiện. Tuy nhiên, thuốc giảm đau không kê đơn có thể khiến cho cơn đau tồi tệ hơn và gây ra nhiều tác dụng phụ khác như: loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa, hại thận khi sử dụng sai cách, lạm dụng thuốc trong một thời gian dài.
  • Thuốc chống nôn: Thường được chỉ định sử dụng khi người bệnh bị buồn nôn hoặc nôn ói.
  • Nhóm thuốc Triptans: Có tác dụng cân bằng các chất hóa học trong não. Triptans có sẵn dưới dạng thuốc viên.
  • Nhóm thuốc Ergotamine: Đây là nhóm thuốc đầu tiên được sử dụng cho người bệnh mắc bệnh ở mức độ nghiêm trọng.
  • Nhóm thuốc Opioids: Nếu việc sử dụng thuốc Triptans hoặc Ergotamine không giúp khắc chế cơn đau ở người bệnh hiệu quả, bác sĩ có thể kê thêm nhóm thuốc Opioids. Nhóm thuốc này có tác dụng mạnh hơn nhiều lần các nhóm thuốc trước đó. Tuy nhiên, thuốc có nguy cơ gây nghiện nghiêm trọng, nên chỉ được kê đơn với liều thấp và người bệnh nên có sự tham khảo của bác sĩ chuyên khoa.
  • Nhóm thuốc Lasmiditan: Nhóm thuốc này có tác dụng giúp giảm đau, buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh.
  • Thuốc đối kháng thụ thể CGRP: Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng rimegepant hoặc ubrogepant khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng.
  • Thuốc phòng bệnh: Khi chứng bệnh có xu hướng tái phát nhiều lần, cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng hoặc người bệnh bị bốn ngày trở lên trong một trong tháng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc như: Thuốc chống động kinh , thuốc huyết áp (như thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi), một số thuốc chống trầm cảm và thuốc tiêm độc tố botulinum loại A, thuốc đối kháng CGRP cũng có thể giúp ngăn ngừa.

Lưu ý: Khi sử dụng các loại thuốc điều trị, nếu người cảm thấy có vấn đề gì bất thường. Hãy nhanh chóng đến các trung tâm y tế hoặc bệnh viện.

Không dùng thuốc

  • Châm cứu: Với phương pháp điều trị này các bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng các kim châm để châm vào một số huyệt vị trên đầu, làm giảm đau nhức nửa đầu tại chỗ.
  • Phản hồi sinh học: Kỹ thuật thư giãn này sử dụng thiết bị đặc biệt để theo dõi và kiểm soát các phản ứng thể chất nhất định liên quan đến căng thẳng, chẳng hạn như căng cơ của người bệnh.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi: Đây là một trong những liệu pháp tâm lý, giúp thay đổi suy nghĩ và hành động của người.
  • Thiền và yoga: Luyện tập yoga và thuyền đúng kỹ thuật có thể giúp người bệnh giảm căng thẳng, giảm tần suất và kiểm soát được cơn đau.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất: Theo một số thông tin nghiên cứu, bổ sung riboflavin (vitamin B2) và magiê có thể giúp người bệnh ít đau đầu hơn. Hay hợp chất coenzyme Q10 có thể giúp cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý sử dụng khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Làm giảm đau nhức nửa đầu tại chỗ
Châm cứu làm giảm đau nhức nửa đầu tại chỗ

7. Giải pháp phòng ngừa đau nửa đầu

Ngoài việc tuân theo các chỉ định điều trị của chuyên gia, người bị đau nửa đầu có thể áp dụng một số biện pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng và phòng ngừa bệnh đau nửa đầu tái phát tại nhà như:

  • Ngủ đủ 7 – 8  tiếng/ngày, bổ sung đủ nước cho cơ thể (2 lít/ngày), sử dụng các biện pháp massage trị liệu.
  • Sử dụng những loại trà giúp cơ thể thư giãn và giảm đau đầu.
  • Thiết lập một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh để cơ thể căng thẳng, mệt mỏi quá độ.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đủ chất. Đồng thời, hạn chế hoặc không nên sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích.
  • Vận động thể thao thường xuyên bằng những bài tập như đi bộ thư giãn, yoga, thiền.

Đau nửa đầu là một bệnh lý thần kinh phổ biến, điều quan trọng nhất là cho đến nay nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được giải thích rõ ràng, việc điều trị vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt nếu các cơn đau xuất hiện với tần suất dày đặc thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.